Mô tả Chorioactis geaster

Quả thể chưa trưởng thành khép kín và tiêu bản được cắt mở để lộ bề mặt bào tầng (hymenium)Mẫu vật non sau khi nứt ra nhưng trước khi phân tách thành nhiều cánh

Các mẫu vật non của C. Geaster có quả thể rỗng, hình gậy, màu nâu sẫm, nối liền với thân. Thân nấm thường chôn vùi xuống đất, ngắn hơn quả thể rỗng hoặc dài bằng nó. Chiều dài của thân có sự đa dạng tùy thuộc vào độ sâu của rễ ngầm mà nó bám vào. Cùi quả và thành quả có màu trắng, bề mặt bên trong có màu trắng vàng chuyển dần sang màu nâu nhạt theo độ tuổi. Quả thể rộng từ 1,2 đến 3,5 cm (0,5 đến 1,4 in) ở phần dày nhất và dài từ 4 đến 12 cm (1,6 đến 4,7 in). Phần thân rộng từ 0,75 đến 1,5 cm (0,3 đến 0,6 in), dài từ 1 đến 5 cm (0,4 đến 2,0 in).[4] Cả thân và quả đều được bao phủ bởi một lớp "tơ" mềm dày đặc, màu nâu, mượt như nhung. Khi chín, quả thể tách ra thành 4-7 bao nấm cong xuống, tương tự như nấm thuộc chi Geastrum. Bào tử được sản sinh trên bề mặt trong của bao nấm, tùy thuộc vào độ phát dục của mẫu vật. Bề mặt có thể có màu từ trắng đến vàng nghệ, màu đỏ cá hồi đến màu kẹo bơ đường và màu hạt dẻ.[14] Bao nấm dai cứng có độ dày lên tới 0,35 cm (0,1 in).[4]

Quả thể vẫn đóng một thời gian ngắn trước khi phát tán bào tử. Nó sẽ nứt ra khi chịu áp lực mạnh bởi sức căng của mấu bên — các tế bào bất thụ nằm xen kẽ giữa các bào tử nang.[20] Sự nứt này đi kèm với việc giải phóng các đám khói bào tử.[21] Nguyên nhân bào tử tồn tại dưới dạng khói khi quả thể nứt ra là do sự thay đổi độ ẩm tương đối đột ngột giữa khoang bên trong quả và môi trường bên ngoài.[4] Sự mở bung của quả sẽ đệm thêm tiếng rít đặc trưng. Hiện tượng âm thanh này còn xảy ra ở khoảng 15 loài nấm khác.[16]

Đặc điểm hiển vi

Bào tử có hình thuôn hoặc hình trục và chứa ba đến năm giọt dầu.

Bào tử có hình thuôn dài đến hình trục và dẹt ở một bên. Chúng có kích thước 54–68 µm x 10–13 µm. Mỗi bào tử chứa từ ba đến năm giọt dầu. Theo các tài liệu cũ thì bào tử được mô tả là trơn nhẵn[22] nhưng khi quan sát bằng kính hiển vi điện tử truyền qua thì chúng có thể có những đốm nhỏ hoặc lỗ thủng.[15] Các bào tử phát triển đồng loạt (đồng bộ) bên trong nang. Đó là đặc điểm chung ở chi thuộc Sarcoscyphaceae như CookeinaMicrostoma.[15] Giống như thành viên khác của bộ Pezizales, nang của C. geaster có một nắp đậy - sẽ mở ra khi các bào tử phát tán ra ngoài. Tuy nhiên, phần nắp đậy của C. geaster phát triển thành một vùng vòng hai lớp khi mở bung. Điều này khiến cho nó có cấu trúc khác biệt với thành viên của cả họ Sarcosomataceae và họ Sarcoscyphaceae.[15]

Tương tự như các loài Discomycetes khác, quả thể bao gồm ba lớp mô riêng biệt: bào tầng, lớp vỏ kitin (hypthecium) và lớp màng ngoài (excipulum). Bào tầng mang bào tử là lớp ngoài cùng của tế bào có chứa nang xen kẽ với các tế bào bất thụ gọi là mấu bên.[23] Ở C. Geaster, các nang hình gậy dài từ 700–800 µm và độ dày từ 14–17,25 µm.[4] Chúng bị co thắt đột ngột ở gốc tạo thành cuống hẹp. Các mấu bên ban đầu có dạng sợi hoặc giống như sợi chỉ (filiform) nhưng to dần thành hình chuỗi hạt (moniliform) theo độ tuổi.[15] Nguyên nhân khiến chúng to lên là do bào tầng mở rộng và quả thể phân tách thành nhiều cánh. Sự phát triển này đặt các nang vào vị trí tối ưu để giải phóng và phát tán bào tử.[24] Nâng đỡ cho các tế bào của bào tầng là một lớp sợi nấm (hyphae) mỏng đan xen chặt chẽ vào nhau được gọi là lớp vỏ kitin. Bên dưới lớp này là một lớp sợi nấm dày đan xen lỏng lẻo được gọi là lớp màng ngoài. Lớp mô này tương tự như nhu mô (mô mềm) được tìm thấy ở thực vật khi giúp tạo cho mô một kết cấu dạng sợi. Lớp màng ngoài có đường kính trung bình là 34 µm trong khi lớp vỏ kitin là 10–14 µm.[3] Nếu quan sát bằng kính hiển vi điện tử thì ta có thể thấy những sợi "tơ" màu nâu sẫm trên bề mặt quả thể được tô điểm bằng những hột hoặc gai hình nón.[11]

Hình thức sinh sản vô tính (anamorph)

Nhiều loại nấm có giai đoạn vô tính trong vòng đời mà tại đó, chúng nhân giống bằng bào tử vô tính gọi là bào tử đính (conidia). Trong một số trường hợp, giai đoạn sinh sản hữu tính (teleomorph) về sau được đồng nhất và tạo nên mối quan hệ hữu tính-vô tính (telemorph-anamorph) giữa các cá thể loài. Năm 2004, các nhà nghiên cứu đã báo cáo mối liên hệ giữa C. geaster và sự xuất hiện của những cấu trúc dạng búi màu nâu đen trên thân gỗ mục. Bằng cách so sánh vùng đệm phiên mã trong trong trình tự DNA ribosome (có trong nhân tế bào) từ hai sinh vật, họ đã xác minh mối liên hệ phát sinh chủng loài giữa Chorioactis và loài nấm mà họ gọi là Conoplea. Tuy nhiên, họ không thành công trong việc kích ứng sinh vật mới phát triển trên môi trường nhân tạo cũng như không thực sự có mối liên hệ hữu tính-vô tính giữa chúng.[19] Vào năm 2009, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã tìm thấy một loại nấm tương tự mọc trên các khúc gỗ mục mà bình thường có liên quan đến sự tăng trưởng của C. geaster. Họ có thể phát triển các đơn bào tử phân lập của C. geaster thành sinh vật trong môi trường nuôi cấy thuần. Cho đến khi đạo luật "một nấm, một tên" ban hành vào năm 2011 thì Luật Danh mục Thực vật Quốc tế từng cho phép công nhận hai (hoặc nhiều) tên cho cùng một sinh vật: một tên dựa trên trạng thái hữu tính, (các) tên còn lại giới hạn ở (các) trạng thái vô tính. Vì vậy, Nagao cùng những người khác đặt tên cho trạng thái vô tính là Kumanasamuha geaster do hình thái tương đồng với những loài thuộc chi Kumanasamuha.[25]

Liên quan